Tinh hoa ẩm thực Cao nguyên đá Hà Giang

Loading

 

BHG – Thắng cố, Mèn mén, xôi ngũ sắc, thịt treo, lợn cắp nách, chè Shan tuyết cổ thụ, cháo Ấu tẩu, bánh Tam giác mạch… Những món ẩm thực đặc trưng mang mạch nguồn văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang trở thành đặc sản, làm say lòng thực khách khi đến Hà Giang.

 

Người Tày, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) gói bánh tro.

Là nơi sinh sống của cộng đồng 19 dân tộc với nhiều món ăn truyền thống, mang sắc thái đặc trưng từng dân tộc, cùng với những hương liệu chế biến nổi tiếng riêng có của vùng núi phía Bắc như: Mắc khén, hạt dổi, hoa hồi, thảo quả, mật ong… tạo nên nhiều món ngon khó cưỡng mang phong vị núi rừng. Món ngon đầu tiên có thể kể đến là Thắng cố. Đây là món ăn truyền thống của người Mông, được nấu từ thịt ngựa với hương vị vô cùng đặc trưng. Trong những ngày đông giá lạnh trên miền đá núi, được quây quần bên chảo Thắng cố nghi ngút khói giữa buổi chợ phiên, hay những dịp lễ quan trọng của bản, làng, cùng tâm sự, sẻ chia những câu chuyện cuộc đời giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.

Thắng cố có thể ăn với Mèn mén. Mèn mén là món ăn đặc trưng của người Mông được làm từ bột ngô. Những người già trong làng kể rằng: Là đàn ông Mông thì phải biết cày trên nương đá, là đàn bà Mông phải biết nấu rượu ngô, dệt vải lanh và nấu Mèn mén. Để có được món Mèn mén thơm ngon, phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỷ mỉ như: Lựa chọn những bắp ngô già, tẽ ngô, xay ngô bằng cối đá để hạt ngô mịn, sàng, sảy ngô loại bỏ mày ngô, trộn bột ngô với nước, đồ ngô trên bếp lửa. Trong mỗi công đoạn lại đòi hỏi người chế biến phải có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng riêng như: Độ to, nhỏ của lửa, nhào bột ngô với nước sao cho vừa đủ để không bị khô hay nhão, đồ 2 lần để ngô tơi ngon. Mèn mén khi chín có hương vị thơm ngon, dẻo, đậm đà.

Người dân Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (Vị Xuyên) chuẩn bị các mon ăn truyền thống phục vụ khách du lịch.

Thêm món ngon du khách không thể bỏ qua khi đến Hà Giang là các sản phẩm được chế biến từ hạt Tam giác mạch như: Các loại bánh, phở, bia, mỳ, bún khô, rượu. Tam giác mạch là loại cây thân thảo mộc, hoa có nhiều màu trắng, phơn phớt hồng, tím, đỏ. Hiện nay, hoa Tam giác mạch trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Giang, thu hút đông đảo du khách. Các sản phẩm được chế biến từ hạt Tam giác mạch thơm, ngon, độc đáo, rất được du khách ưa chuộng; đặc biệt hạt Tam giác mạch được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nhật Bản – Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản để chế biến thành mì Soba, món ăn tinh thần của đất nước mặt trời mọc.

Đến “đại sứ” du lịch

Những năm gần đây, khi du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ẩm thực địa phương trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển ấy. Từ món ăn bản địa, mang đậm văn hóa đồng bào các dân tộc, ẩm thực giờ đây mang thêm sứ mệnh mới, trở thành “đại sứ” du lịch, thông qua ẩm thực để giới thiệu, quảng bá về sự đa dạng, giá trị văn hóa độc đáo trong đời sống người dân địa phương.

Du lịch cộng đồng được đánh giá là sản phẩm du lịch đang mang lại hiệu quả rõ nét nhất của tỉnh. Ngoài cảnh quan đẹp, nếp nhà truyền thống cổ xưa, những tập quán sinh hoạt riêng có thì món ăn truyền thống hiện diện trên mâm cơm phục vụ du khách khi dừng chân ở các bản làng là điều không thể thiếu. Chị Hoàng Khánh Linh, du khách đến từ Quy Nhơn chia sẻ: “Lần đầu tiên được đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (Quản Bạ), ăn các món đặc trưng của người Dao do chính chủ nhà chế biến, hương vị lạ nhưng rất ngon, khác hẳn với ẩm thực miền Nam”.

Đặc biệt, điều chạm đến trái tim du khách là để có những món ngon mang đậm bản sắc và dư vị truyền thống, đồng bào các dân tộc đã tự tay tìm kiếm những nguyên liệu có sẵn trên rừng như: Măng rừng, mắc khén, rêu đá, bắp bi rừng, củ Ấu tẩu, cá suối, lá màu làm xôi, rau rừng hay các loại cây, con tự nuôi, trồng, chăm sóc để chế biến món ăn theo công thức truyền thống và kinh nghiệm gia truyền, đảm bảo an toàn VSTP. Các chủ và đầu bếp tại các Homestay đều được tập huấn về chế biến và trang trí món ăn phục vụ khách du lịch. Chị Đinh Quốc Khánh, chủ Homestay Skyview Khánh Đinh ở Bản Luốc (Hoàng Su Phì) chia sẻ: “Nguyên liệu chế biến món ăn tại Homestay của tôi chủ yếu là sản phẩm được bà con sản xuất tại địa phương như: Gà xương đen, lợn đen bản địa, thịt trâu, bò gách bếp, cá chép ruộng, cá suối, xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, bánh sừng bò, măng đắng, rau rừng… Khách đến đây ngoài được thưởng thức các món ăn ngon, còn được tự trải nghiệm quy trình chế biến món ăn. Họ rất thích thú, đặc biệt là khách nước ngoài”.

Tại các lễ hội, chợ phiên, không gian văn hóa ẩm thực luôn được chú trọng, thiết kế khu vực riêng, thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Anh Nguyễn Văn Hà (Hải Phòng) chia sẻ: “Tôi đam mê du lịch một phần từ sức hút của các món ăn ngon mang bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương. Tôi đến Hà Giang nhiều lần, đã được thưởng thức món cá chép ruộng ở Hoàng Su Phì, Thắng cố ở chợ phiên Mèo Vạc, uống rượu ngô men lá, ăn bánh Tam giác mạch ở Đồng Văn. Mỗi nơi, mỗi dân tộc có cách chế biến món ăn khách nhau, nhưng đều mang nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Điều đó thật thú vị”.

Không chỉ để thưởng thức tại chỗ khi đến Hà Giang, nhiều món ẩm thực đặc sản của mảnh đất cực Bắc Tổ quốc đã trở thành những món quà giá trị mà du khách có thể mua về tặng người thân, bạn bè. Hiện nay, Hà Giang có 4 món ăn gồm: Mèn mén, cháo Ấu tẩu, Thắng cố và thịt lợn cắp nách lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và 4 đặc sản, gồm: Mật ong Bạc hà, chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, bánh Tam giác mạch và Hồng không hạt Quản Bạ lọt Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật.

Lễ hội Văn hóa ẩm thực 3 miền Bắc – Trung – Nam và Hà Giang năm 2023 được tổ chức dịp này tại thành phố Hà Giang với nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực tỉnh Hà Giang, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu ẩm thực du lịch thông qua sưu tầm, phục dựng, phát triển nền văn hóa ẩm thực và du lịch tinh túy, đặc sắc, chất lượng; đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Hà Giang mời gọi du khách mọi miền trong hành trình khám phá miền đất hùng vĩ, thơ mộng với những trải nghiệm vô cùng thú vị với ẩm thực độc đáo. Văn hóa ẩm thực là một phần quan trọng, không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của các dân tộc; gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa ẩm thực sẽ góp phần đắc lực cho phát triển du lịch bền vững.

– Theo BÁO HÀ GIANG